Tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính!
Ngoài ra, Sổ SKĐT còn nâng cao hiệu quả quản lý y tế công cộng khi việc thu thập và quản lý dữ liệu y tế tập trung, thống nhất trong một cơ sở dữ liệu chung do Thành phố quản lý. Điều này giúp các cơ quan y tế theo dõi, phân tích xu hướng sức khỏe cộng đồng dễ dàng hơn, từ đó có thể kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa và can thiệp y tế hiệu quả.
Việc triển khai cũng giúp giảm thiểu giấy tờ mà người dân phải mang theo khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đồng thời cho phép người dân theo dõi và quản lý thông tin sức khỏe của mình suốt đời. Người dân có thể chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe và giảm các chi phí y tế trên địa bàn.
Sổ SKĐT cung cấp cho các y, bác sỹ, cơ sở y tế đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, sẽ có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Đặc biệt, quá trình khai thác dữ liệu từ Sổ SKĐT phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin, ngăn ngừa thất thoát, rò rỉ hoặc sử dụng dữ liệu vào mục đích bất hợp pháp.
Để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai Sổ SKĐT trên VNeID, Thành phố yêu cầu cần xây dựng và đảm bảo hạ tầng, kỹ thuật nhằm liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám, chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT) của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam. Việc liên thông dữ liệu này cần được thực hiện ngay sau khi người bệnh kết thúc đợt khám, chữa bệnh, giúp đảm bảo tính kịp thời và chính xác của thông tin.
Ngoài ra, cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn về quy trình liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận, nhằm tạo thuận lợi và đồng nhất trong quá trình thực hiện. Để Sổ SKĐT đạt được hiệu quả sử dụng cao trong cộng đồng, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của Sổ là rất quan trọng, kết hợp với sự tham gia tích cực từ các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tại địa phương để thúc đẩy việc triển khai thành công.
Sẽ đánh giá kết quả triển khai thí điểm về Bộ Y tế 6 tháng/lần
Lộ trình triển khai thí điểm Sổ SKĐT VNeID được thực hiện theo Quyết định số 4750/QĐ-BYT ngày 19/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế, chia thành hai giai đoạn, áp dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện BHYT.
Trong giai đoạn đầu, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: hoàn thành các văn bản chỉ đạo và điều hành làm căn cứ triển khai, cấp mã cho các cơ sở khám, chữa bệnh chưa có mã, và cấp tài khoản để liên thông Sổ SKĐT VNeID. Đồng thời, giai đoạn này cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn để các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích của Sổ SKĐT VNeID đến người dân.
Sở Y tế được giao làm cơ quan chủ trì thực hiện giai đoạn này, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), BHXH Thành phố, các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập thuộc Sở Y tế, cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan khác nếu cần thiết. Thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ này được yêu cầu trước ngày 20/11/2024.
Nội dung nhiệm vụ của giai đoạn 2 sẽ bao gồm kết nối và chia sẻ dữ liệu Sổ SKĐT VNeID từ các cơ sở khám, chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Đây là một bước quan trọng trong việc tích hợp và đảm bảo tính liên thông của hệ thống y tế. Dữ liệu cần được đồng bộ và truyền tải lên cổng tiếp nhận ngay sau khi người bệnh kết thúc đợt khám, chữa bệnh, giúp hệ thống BHYT luôn cập nhật và chính xác.
Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng một lần, quá trình triển khai thí điểm sẽ được đánh giá và báo cáo kết quả về Bộ Y tế nhằm theo dõi và cải thiện hiệu quả thực hiện. Sở Y tế là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai các nhiệm vụ này, phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT, BHXH Thành phố, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khác nếu cần thiết. Thời gian hoàn thành lộ trình này sẽ kéo dài cho đến khi có chỉ đạo dừng thí điểm từ Bộ Y tế.
Trước đó vào tháng 10/2024, Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ SKĐT và cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua VNeID trên toàn quốc đã diễn ra. Theo văn bản kết luận Hội nghị, cả nước đã tạo lập được 32,1 triệu Sổ sức khỏe cho người dân, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ SKĐT qua VNeID.
Ngoài ra, kết quả triển khai cấp Phiếu LLTP cũng cho thấy, hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ cấp Phiếu LLTP qua VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của 2 địa phương.
Việc triển khai thí điểm hai ứng dụng Sổ SKĐT và Phiếu LLTP qua VNeID thể hiện những yếu tố phù hợp và mang lại lợi ích lớn. Trước hết, điều này phù hợp với chủ trương, đường lối, cơ chế và chính sách của Đảng, Nhà nước, và Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, đặt người dân vào trung tâm của quá trình chuyển đổi, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, và phù hợp với các điều kiện thực tiễn.
Chương trình góp phần cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và xã hội. Đồng thời, đây là một bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, khẳng định những thành tựu rõ ràng mà chuyển đổi số mang lại, củng cố cam kết của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và mang lại niềm tin, động lực cho các hoạt động này trong tương lai.
Dự kiến đến năm 2025, 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và có 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ SKĐT. Sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một Sổ SKĐT trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám chữa bệnh có bệnh án điện tử.
Về việc triển khai các tiện ích như Sổ SKĐT, Phiếu LLTP trên VNeID, để đảm bảo hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh CĐS, cải cách TTHC, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng cao năng lực hạ tầng số, và thúc đẩy thông tin truyền thông để tạo đồng thuận xã hội.
Đồng thời, việc triển khai phải gắn với đảm bảo đồng bộ giữa các cơ quan, duy trì hạ tầng số ổn định, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, và nâng cao khả năng tiếp cận tiện ích cho người dân với chi phí thấp.
Địa phương cần hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, và chuẩn hóa dữ liệu lý lịch tư pháp, đảm bảo kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số toàn diện./
Nguồn: Anh Minh.